Cần đa dạng phương án phát triển nhà ở dành cho người có thu nhập thấp

PHAN NY - TẤN LỘC - XUÂN AN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 19/6/2024, 12:00

(HTV) - Luật Nhà ở 2023 sắp có hiệu lực đã thông thoáng hơn về điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội cho cả chủ đầu tư lẫn người mua, thuê nhà, được kỳ vọng không chỉ thúc đẩy tăng cung nhà ở xã hội để bán, mà còn thúc đẩy phân khúc cho thuê.

Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh tập trung vào mua bán nhà ở xã hội, cần có chính sách phát triển nhà ở xã hội theo hướng cho thuê, điều này sẽ tạo cơ hội cho nhiều người lao động có thu nhập thấp tiếp cận nhà ở xã hội với chất lượng xây dựng tốt, chất lượng cuộc sống nâng cao và giảm áp lực tài chính thay vì phải mua căn hộ, nhưng quan trọng nhất gói vay 120 ngàn tỷ đồng phải tạo thuận lợi hơn cho người vay. 

Giải pháp an cư cho người lao động tại các đô thị lớn

Theo Bộ Xây dựng, mặc dù nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn nhưng việc đầu tư còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.

Đơn cử, tại một số thành phố lớn tập trung đông công nhân như thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ có 07 dự án, khoảng 4.996 căn, đáp ứng 19%. Hay Hà Nội chỉ có 3 dự án, tương ứng 1.700 căn và chỉ đáp ứng 9% so với nhu cầu thống kê thực tế.

 Chính sách phát triển nhà ở xã hội cho những người có thu nhập thấp theo Chỉ thị 34-CT/TW năm 2024

 Chính vì vậy, Các Luật Đất Đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực sớm từ 01/8 tới đây được kỳ vọng sẽ tháo gỡ rất nhiều vướng mắc, thúc đẩy mạnh hơn việc thực hiện Đề án. Đồng thời, tạo kỳ vọng cho doanh nghiệp - chủ đầu tư khi đầu tư nhà ở xã hội với hàng loạt ưu đãi và cơ chế thông thoáng hơn sớm được thực thi.

 Bài toán an cư cho người lao động đang ngày càng trở nên cấp thiết ở các đô thị khi nhu cầu người dân ngày một tăng cao, trong khi nguồn cung nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó, gói 120 ngàn tỷ đồng hiện tại giới hạn ở chỗ lãi suất dao động 7-8%, doanh nghiệp chỉ được vay 03 năm và người dân được vay 05 năm sau đó thả nổi. Với khoản vay kéo dài 25 năm, lãi suất thả nổi quá sớm khi chỉ sau 05 năm sẽ khiến việc tính toán bài chính trong tương lai sẽ trở nên khó khăn đối với người có nhu cầu với loại hình nhà ở này.

Anh Nguyễn Xuân Hải - Chung cư nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, Quận Bình Tân, TP.HCM

Anh Nguyễn Xuân Hải - Chung cư nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, Quận Bình Tân, TP.HCM chia sẻ : "Khi đến nơi xa lạ thì an cư mới làm việc được. Vợ chồng mình đi dạy cũng gần mà con cái học hành cũng gần, nhất là có trường mầm non cho em bé sau của mình nên rất an tâm làm việc, và cống hiến cho TP..."

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

 Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết : "Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về mặt tài chính cho việc phát triển nhà ở giá rẻ như cho vay với lãi suất thấp, phát triển nhà ở cho thuê và có chiến lược phát triển NƠXH dài hạn. Việc quan tâm tới đối tượng không nằm trong diện được mua NƠXH có thể tiếp cận nhà ở thương mại giá rẻ vừa giúp người dân có có hội an cư, vừa giúp mở rộng lực cầu cho thị trường...".

 Cùng với mục tiêu chung của cả nước, TP.HCM đặt kế hoạch xây dựng 35.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025. Theo Sở Xây dựng TP, với tình hình pháp lý và những vấn đề khác liên quan, từ nay đến năm 2025 dự kiến sẽ đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 13 dự án, với quy mô khoảng 12.000 căn nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: