Cải lương và hành trình chinh phục trái tim giới trẻ

Có một số nhận định rằng, giới trẻ xem cải lương như "bảo vật" để ngắm nhìn và lưu giữ trong "bảo tàng". Vậy làm thế nào để cải lương thực sự đến với người trẻ - thế hệ khán giả kế thừa?

Talkshow “Lưu niên” do CLB dân ca UEH tổ chức ngày 26/4/2024

Cải lương là một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống độc đáo, hình thành và phát triển mạnh mẽ tại khu vực Nam Bộ, nơi được xem là "cái nôi" của những bài bản, những vở diễn đặc sắc làm say mê giới mộ điệu.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình âm nhạc hiện đại, việc bảo tồn và phát triển cải lương là một bài toán khó. Có một số nhận định rằng, giới trẻ xem cải lương như "bảo vật" để ngắm nhìn và lưu giữ trong "bảo tàng". Song điều đó không có nghĩa là người trẻ hoàn toàn quay lưng với bộ môn nghệ thuật này. Câu chuyện của các bạn trẻ ở CLB dân ca ở trường UEH là một minh chứng. 

Quế Trân - thành viên Ban chủ nhiệm CLB dân ca trường UEH

Ra đời từ năm 1996, đến nay, CLB dân ca đã tổ chức nhiều hoạt động như: các chương trình biểu diễn, hội thi âm nhạc, các mini game tương tác trên mạng xã hội… để góp phần giúp người trẻ tiếp cận và yêu thích nghệ thuật truyền thống cải lương. Các hoạt động này thu hút đông đảo sự quan tâm của các bạn trẻ, qua đó phần nào cho thấy, sân khấu cải lương vẫn có sức hấp dẫn riêng đối với giới trẻ, chỉ cần có cách tiếp cận phù hợp.

Đan xen với việc tổ chức các hoạt động lan tỏa nghệ thuật truyền thống, các thành viên trong CLB luôn trăn trở tìm kiếm những phương thức tiếp cận mới, sáng tạo các cách truyền tải, thể hiện gần gũi hơn với giới trẻ thời nay. Bạn Quế Trân, thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ chia sẻ: “Để cải lương thu hút hơn, phù hợp hơn với thị hiếu âm nhạc hiện tại, mình có thể sáng tạo ở các nhịp hoặc sử dụng những nhạc cụ độc đáo, ít phổ biến để tạo điểm nhấn khác biệt, làm cho người nghe có những trải nghiệm mới mẻ hơn”. 

Workshop "Tìm hiểu bộ môn nghệ thuật cải lương - Lưu dấu vàng son" của CLB dân ca UEH

Những ý tưởng về sự kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, sử dụng công nghệ tiên tiến trong biểu diễn, hay đưa âm nhạc truyền thống vào phim ảnh, game... ít nhiều sẽ tạo nên sự mới mẻ, thu hút giới trẻ khám phá và trải nghiệm.

Bên cạnh đó, việc tạo môi trường để giới trẻ tiếp xúc và tìm hiểu âm nhạc truyền thống cũng đóng vai trò quan trọng. Một trong những cách giúp họ tiếp cận để hiểu thêm về giá trị và khơi dậy niềm đam mê nghệ thuật truyền thống là tạo điều kiện để họ tham gia các hoạt động trải nghiệm, giao lưu với nghệ sĩ, tương tác với người trẻ qua mạng xã hội hay diễn đàn âm nhạc… 

NSƯT Kim Tử Long và ca sĩ Thái Chi giao lưu cùng các bạn sinh viên 

Từ tiếp cận đến am hiểu, từ hiểu đến yêu thích là một hành trình dài, nhiều thách thức, cần sự chung tay của người trẻ với tư cách là thế hệ khán giả kế thừa. Việc tạo điều kiện cho giới trẻ sáng tạo, thể hiện quan điểm về âm nhạc truyền thống sẽ góp phần lan tỏa tình yêu và niềm đam mê với loại hình nghệ thuật này.

Giữ lửa đam mê âm nhạc truyền thống trong giới trẻ là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực và đổi mới trong cách tiếp cận cải lương sẽ tiếp tục được gìn giữ và lan tỏa, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Minh Khuê (Ảnh: CLB Dân Ca UEH)