Với các quốc gia chưa đạt thỏa thuận, Mỹ sẽ thông báo về các mức thuế đối ứng cao vào ngày 9/7 và sẽ có hiệu lực vào ngày 1/8. (Nguồn ảnh: Reuters)
Chính quyền Trump muốn cân bằng lại thương mại song phương. Theo đó, các quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ được yêu cầu phải nhập khẩu hàng hóa của Mỹ nhiều hơn.
Mỹ cũng kêu gọi các nước xóa bỏ rào cản phi thuế quan có thể ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu của Washington. Điển hình như tiêu chuẩn an toàn sinh học mà Australia áp dụng cho hàng nông sản nhập khẩu vào nước này.
Mỹ đưa ra 4 yêu cầu dành cho tất cả đối tác, nhưng lại nhượng bộ rất ít. (Nguồn ảnh: Reuters)
Mỹ cũng yêu cầu loại bỏ các hạn chế với dịch vụ thương mại kỹ thuật số, cùng với mức thuế hiện đang được áp lên những dịch vụ và sản phẩm của các công ty công nghệ Mỹ. Đầu tháng 7, Canada đã rút lại thuế dịch vụ số với Google và Meta để tiếp tục đàm phán với Mỹ.
Các nước cũng phải chấp nhận giảm phụ thuộc đầu vào từ Trung Quốc trong bất kỳ hoạt động xuất khẩu nào sang Mỹ. Theo các chuyên gia, nhìn chung, đây là những điều kiện khó khăn với chính phủ các nước.
Việc đặt ra thời hạn cụ thể tạo ra áp lực lớn với các đối tác, buộc họ phải đẩy nhanh tiến độ đàm phán và đưa ra nhượng bộ cần thiết. Đây được xem là chiến thuật đàm phán rõ ràng của Mỹ, tận dụng yếu tố thời gian nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế của mình.
Trong bối cảnh đó, các đối tác thương mại của Mỹ đã thể hiện những phản ứng đa dạng nhưng đều hướng tới mục tiêu chiến lược chung - giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ lợi ích quốc gia.
Việt Nam hiện là một trong số ít quốc gia đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ. Trước đó, Washington chỉ mới đạt thỏa thuận quy mô nhỏ với Anh, và nhất trí tạm giảm thuế nhập khẩu với Trung Quốc.
Tuyên bố đạt thỏa thuận với Việt Nam của ông Trump trên mạng xã hội X ngày 2/7. (Nguồn ảnh: X)
Hiện tại, Mỹ vẫn đang đàm phán với nhiều đối tác lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Mới đây nhất, trong ngày 7/7, Nhà Trắng thông báo đã gửi thư về các mức thuế quan mới tới 14 quốc gia.
Đáng chú ý, trong thư gửi chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản, Nhà Trắng cho biết sẽ áp mức thuế 25% mỗi bên, từ ngày 1/8. Mức thuế đối với Seoul giữ nguyên so với thông báo hồi tháng 4, còn Tokyo chịu mức thuế cao hơn. Con số 25% áp dụng với tất cả hàng hóa gửi vào Mỹ của 2 nước, tách biệt so với mức thuế theo ngành.
Ngay sau thông báo, Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ đẩy mạnh đàm phán với Mỹ.
Với Nhật Bản, các cuộc đàm phán với Mỹ vẫn đang "mắc kẹt" ở ô-tô và gạo.
Ông Trump cho rằng người Mỹ mua xe Nhật quá nhiều, trong khi người Nhật gần như không mua xe Mỹ. Ngoài ra, Nhật Bản cũng nhập khẩu rất ít gạo từ Mỹ. Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru tuyên bố sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia.
Thủ tướng Nhật Bản khẳng định sẽ không “dễ dàng nhượng bộ” Mỹ trên bàn đàm phán. (Nguồn ảnh: Bloomberg)
Nhiều nước khác cũng được thông báo mức thuế mới, như: Indonesia 32%; Campuchia 36% - giảm từ mức 49%; Thái Lan 36%; Lào và Myanmar 40%; Malaysia 25%; Bangladesh 35%. Các nước khác cũng nhận được thư thông báo thuế quan từ Mỹ, bao gồm Nam Phi, Serbia, Kazakhstan...vv...
Theo thỏa thuận đạt được hồi tháng 5, thuế quan của Mỹ với ô-tô của Anh giảm từ 27,5% xuống còn 10%. Thỏa thuận này cũng xóa bỏ hoàn toàn mức thuế 10% với các mặt hàng như động cơ và phụ tùng máy bay.
Hiện Luân Đôn vẫn đang đàm phán giảm thuế 25% với thép và nhôm xuất khẩu sang Mỹ. Bộ Thương Mại Anh cho biết mục tiêu là đưa thuế quan với các sản phẩm thép cốt lõi về 0%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết họ đã hoàn tất thỏa thuận thương mại trong ngày 16/6. (Nguồn ảnh: Reuters)
Mỹ và Trung Quốc xác nhận đã ký thỏa thuận khung về thương mại nhằm duy trì các điều khoản đạt được trong cuộc đàm phán tại Geneve hồi tháng 5, cũng như cuộc đàm phán tại Luân Đôn trong tháng 6.
Dù hai bên đều mô tả thỏa thuận là đã được "ký kết," nhưng thực chất đây chỉ là bước lùi chiến thuật làm giảm căng thẳng, sau khi các biện pháp trả đũa thuế quan giữa hai bên lên đỉnh điểm.
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 4/7 cho biết, nước này và Mỹ đang nỗ lực đạt được thỏa thuận trong khuôn khổ đàm phán ở Luân Đôn hồi tháng 6. (Nguồn ảnh: Bloomberg)
Với thời hạn 90 ngày, thỏa thuận tạm thời giữa Mỹ và Trung chưa thể giải quyết các vấn đề cốt lõi, như sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường, mà chủ yếu là giảm căng thẳng và tạo dư địa đối thoại tiếp theo.
Ông Trump cho biết, Mỹ có thể đạt thỏa thuận thương mại với Ấn Độ nếu nước này sẵn sàng tháo dỡ những rào cản với các doanh nghiệp Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng nhận định tương tự rằng Washington và New Delhi đang tiến rất gần đến một thỏa thuận, giúp hàng hóa Ấn Độ tránh bị áp thuế cao hơn sau ngày 9/7.
Các nhà đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) cũng đang chạy đua để hoàn tất thỏa thuận thương mại với Mỹ trước hạn chót. Trong lúc giới lãnh đạo EU nỗ lực đàm phán với Washington, các doanh nghiệp trong khối cũng chủ động tìm kiếm giải pháp ứng phó.
Tại Hy Lạp, các nhà sản xuất dầu ô liu bày tỏ lo lắng về tình hình hiện tại, nhưng cũng tự tin các sản phẩm chất lượng của mình sẽ giữ chân khách hàng.
Biện pháp thuế quan của Mỹ đe dọa ngành sản xuất dầu ô liu của Hy Lạp. (Nguồn ảnh: QZ)
Cụ thể, các hộ trồng ô liu tại đảo Corfu của Hy Lạp đang đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, tình hình biến đổi khí hậu dẫn đến thu hoạch sớm. Theo đó, sản phẩm cần được bảo quản lạnh nhiều hơn, khiến chi phí gia tăng.
Dầu ô liu tại đây được xuất khẩu đến nhiều nước châu Âu như Anh, Đức, và Áo. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất. Vì vậy, mối đe dọa mới từ thuế quan của Mỹ với nông sản EU đang tạo thêm áp lực lên hoạt động xuất khẩu ô liu của đảo này.
Các chuyên gia nhận định, Mỹ có thể tiếp tục sử dụng thuế quan như một công cụ đàm phán định hình lại các thỏa thuận thương mại. Xu hướng bảo hộ có thể sẽ tiếp diễn. Các quốc gia khác có thể áp dụng biện pháp tương tự nhằm bảo vệ nền kinh tế của mình.
Thay vì kết thúc, chính sách thuế quan khắt khe giữa Mỹ và nhiều quốc gia có thể biến thành cuộc cạnh tranh thương mại dai dẳng, khi nhiều nước liên tục điều chỉnh chính sách và chuỗi cung ứng của mình.
Email:
Mã xác nhận: