“Tôi luôn trân trọng mỗi khi được mời tham gia biểu diễn trong các chương trình của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh”. Đó là lời chia sẻ đầy xúc động của ca sĩ – Giảng viên Thanh nhạc Hoàng Tú khi nói về tình cảm của mình với HTV.
Ca sĩ – Giảng viên Thanh nhạc Hoàng Tú
Trong những ngày cuối tháng Năm vừa qua, khán giả được thưởng thức giọng ca Hoàng Tú, sôi nổi trải lòng với Đất nước tình yêu trong chương trình Bản tình ca còn mãi. Đầu tháng 6 này, khán giả lại có cơ hội thưởng thức giọng ca nồng ấm của anh qua giai điệu hào hùng với ca khúc Tiếng hát từ thành phố mang tên Người trong chương trình Cầu Truyền hình Ngàn hoa dâng Bác – Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, Ngày truyền thống Thi đua yêu nước (11/6/1948 – 11/6/2018) do HTV thực hiện, truyền hình trực tiếp trên kênh HTV 9 lúc 19h30 ngày 3/6.
Ca sĩ Hoàng Tú trong chương trình Cầu truyền hình Linh thiêng Việt Nam - Kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7/2017
Chào ca sĩ Hoàng Tú. Được biết, trong ngày 3/6/2018 tới đây, anh sẽ tham gia biểu diễn trong chương trình Cầu Truyền hình Ngàn hoa dâng Bác. Anh có thể chia sẻ một vài cảm xúc của mình khi được tham gia trong chương trình mang nhiều ý nghĩa này?
Tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được tham gia một chương trình có ý nghĩa lớn và đặc biệt như vậy. Theo kịch bản, tôi vinh dự được thể hiện tiết mục mở màn chương trình tại điểm cầu Bến Nhà Rồng với ca khúc Tiếng hát từ thành phố mang tên Người.
HTV là cái nôi góp phần đưa tôi đến con đường ca hát chuyên nghiệp. Tôi bắt đầu có vinh dự tham gia những chương trình ca nhạc của HTV vào khoảng những năm 1998, 1999. Lúc đó, tôi đang theo học trung cấp năm thứ 4 ở Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh và được Giảng viên Thanh nhạc - NSƯT Tuấn Phong giới thiệu với Ban Ca nhạc HTV để ghi hình những tiết mục đơn ca dòng nhạc thính phòng.
Với khoảng thời gian gắn bó khá lâu như vậy, đối với tôi, những chương trình của HTV luôn có sự hấp dẫn, cập nhật rất tốt với cuộc sống hiện đại, năng động, trẻ trung và luôn đổi mới để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khán thính giả.
Hoàng Tú trong một chương trình của HTV
Vậy, anh có thể chia sẻ cơ duyên đến với âm nhạc của mình được khởi nguồn như thế nào?
Từ khi còn nhỏ, tôi được bố mẹ cho theo học đàn Piano. Mỗi khi nhà có khách, hay có tiệc, bố tôi thường đề nghị tôi ra hát cho mọi người nghe. Ông là người đam mê nghệ thuật, có giọng hát hay, mạnh mẽ. Trước đây, ông từng tham gia hoạt động tại Nhà hát giao hưởng Việt Nam, và từng là ca sĩ có tiếng ở Thành phố Nam Định, nên ông cũng đặt kỳ vọng rất nhiều vào tôi.
Khoảng năm 1994, một buổi tối mùa hè, bố đã đưa tôi tới gặp thầy giáo - NSƯT Bùi Duy Tân - Nguyên Trưởng khoa Thanh nhạc, Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, để đăng ký cho tôi theo học Thanh nhạc tại nhà thầy. Năm 1995, tôi thi đậu vào hệ Trung cấp Thanh nhạc của Nhạc viện với điểm số cao nhất. Sau đó, tôi tiếp tục theo học hệ Đại học Thanh nhạc của Nhạc viện và tốt nghiệp Thủ khoa năm 2003.
Dưới mái trường Nhạc viện, tôi được học nghề từ những người thầy luôn hết lòng với học trò. Thầy Duy Tân, là một người nghiêm khắc và luôn tận tâm trong việc giảng dạy. Thầy đã dạy cho tôi từ những bài học chuyên môn căn bản nhất. Thầy Tuấn Phong, tuy không dạy tôi chuyên môn, nhưng qua sự nhiệt tình giúp đỡ học trò từ những bước đi chập chững vào nghề, tôi đã học được từ thầy tình yêu nghề và tinh thần nghệ sĩ.
Tôi đam mê và theo đuổi dòng nhạc chính thống, trữ tình. Tôi từng là đơn ca thanh nhạc (soloist) của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP. Hồ Chí Minh (thuộc lứa sau của NSƯT Tạ Minh Tâm, NSƯT Ánh Tuyết, ca sĩ Anh Bằng, Thu Giang...). Những ca khúc lần đầu được tôi biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp, như: Đường chúng ta đi, Tình ca, Những ánh sao đêm... ngay lập tức nhận được nhiều tình cảm của giới chuyên môn và khán giả yêu nhạc.
Ca sĩ Hoàng Tú trong chương trình Cầu truyền hình Bản Hùng ca mùa xuân – Kỷ niệm 50 năm Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
Được biết, song song với hoạt động âm nhạc, anh còn tham gia công tác giảng dạy. Xin anh chia sẻ về công việc “người chèo đò nghệ thuật” hiện nay của mình?
Tôi tham gia giảng dạy chuyên môn Thanh nhạc tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh từ năm 2004, và hợp đồng tại một số trường đại học khác trong thành phố. Ngoài ra, tôi mới mở một trung tâm âm nhạc của riêng mình, nơi dành cho những bạn trẻ yêu thích nghệ thuật đến để học tập, rèn luyện, để thỏa niềm đam mê.
Với gần 20 năm kinh nghiệm, tôi nhận thấy công tác giảng dạy giúp ích rất nhiều cho việc ca hát của mình, như hát có chiều sâu hơn, tư duy, thẩm mỹ âm nhạc, kiến thức, kỹ năng vững vàng, tinh tế hơn...
Công tác giảng dạy giúp ích rất nhiều cho việc ca hát của ca sĩ Hoàng Tú
Sau nhiều năm hoạt động âm nhạc, đến nay, anh đã đúc kết được những kinh nghiệm gì để truyền dạy cho các học trò của mình?
Theo tôi, một trong những điều quan trọng nhất mà những em đang học tập cũng như đang hành nghề cần phải có đó là: Thái độ, ý thức, tinh thần chuyên nghiệp và đặc biệt là tình yêu nghề thực sự. Hội đủ được những điều này thì mới đi dài được và mới vượt qua được những khó khăn, khốc liệt của cuộc sống và đặc thù riêng của ngành nghề.
Ngoài theo học ở trên lớp, sinh viên còn theo học nâng cao chuyên môn tại trung tâm của thầy Hoàng Tú
Vậy, mong muốn của anh về các thế hệ học trò và các ca sĩ trẻ mà mình đã dìu dắt?
Hiện tôi có một niềm vui nho nhỏ là đã và đang giảng dạy những bạn có tố chất nghệ thuật, như: Kỳ Phương Uyên (giải Nhì Ngôi sao Tiếng hát truyền hình 2006), Isaac, Đông Nhi, ca sĩ - nhạc sĩ Đỗ Hiếu, Nhóm 365, Uni5, Nguyễn Kiều Oanh (Á quân Be a Star 2017), Lê Thái Sơn (giải Nhất Tiếng ca học đường HTV), Trương Kiều Diễm (Á quân X- factor), Song Luân, Chipu...
Tôi nhận thấy các em luôn có sự khát khao với nghề, có tinh thần chuyên nghiệp, bản lĩnh thực sự và luôn cầu tiến. Tôi mong rằng, các em sẽ ngày càng có một sự nghiệp vững vàng, lâu bền, đóng góp vào nền âm nhạc của chúng ta, mang tới cho khán thính giả trong và ngoài nước những sản phẩm âm nhạc chuyên nghiệp, xuất sắc và ngày càng nhiều người mến mộ hơn.
Hiện nay, có rất nhiều cuộc thi tài năng âm nhạc được tổ chức sôi nổi. Anh có lời khuyên nào dành cho các học trò của mình khi đến với những sân chơi này?
Cuộc thi âm nhạc thực sự là một cơ hội rất tốt cho các bạn trẻ để chứng tỏ được khả năng của bản thân, tạo cảm hứng, kích thích sự sáng tạo nghệ thuật... Đây chính là bệ phóng ban đầu để giúp các bạn đến gần hơn với công chúng, tạo tiền đề tốt cho sự nghiệp trong tương lai.
Tôi cũng thường động viên những em học trò nên thử sức ở những cuộc thi vì từ đó có sự cọ xát, cạnh tranh, thi đua... sẽ giúp cho các em có bản lĩnh nghề, năng lực chuyên môn, thẩm mỹ, tư duy âm nhạc sẽ vững vàng và tốt hơn.
Trung tâm HAT7 của ca sĩ Hoàng Tú chuyên đào tạo thể loại nhạc nhẹ
Anh có thể giới thiệu những sản phẩm âm nhạc mà mình đã và đang thực hiện?
Vừa rồi tôi mới hoàn thành bản audio ca khúc Có những tuổi 20 như thế của nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn, nhạc sĩ Việt Anh (hòa âm, phối khí). Tôi đã biểu diễn ca khúc này ở một số chương trình lớn của HTV. Hy vọng trong thời gian tới, ca khúc sẽ được nhiều khán, thính giả biết tới hơn.
Đây là một ca khúc có chiều sâu, giai điệu, ca từ đẹp, đầy chất bi hùng, ngợi ca những người trẻ tuổi sẵn sàng hy sinh bản thân mình, hy sinh những quyền lợi, cuộc sống cá nhân... để bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Bài hát này đã được Đạo diễn - NSƯT Lê Thụy dàn dựng lần đầu tiên cho tôi trong chương trình Con đường tiền tệ (do HTV và ngân hàng BIDV tổ chức) vào năm 2015.
Ca sĩ Hoàng Tú (giữa) chụp kỷ niệm cùng các nghệ sĩ trong chương trình Kỷ niệm 70 năm Công an nhân dân năm 2015
Hiện tôi đang lên kế hoạch thực hiện một album nhạc trữ tình với những bản tình ca đi cùng năm tháng để ra mắt trong thời gian tới. Hy vọng, khán thính giả gần xa đón nhận và luôn ủng hộ tôi, cũng như những bạn đồng nghiệp khác nhiều hơn nữa trên con đường âm nhạc. Một con đường đầy chông gai và thực sự gian nan.
Xin cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị này!
Hoàng Quyên