Nhìn lại hành trình làm nghệ thuật, Đoan Trường - một trong bốn ca sĩ tên Trường (Lam Trường, Đan Trường, Vân Trường, Đoan Trường) đình đám trên các sân khấu ca nhạc cuối thập niên 1990 – 2000, bật mí rằng: “Tôi sống vì đam mê nhưng không lụy nghề”.
Ca sĩ Đoan Trường
Đam mê nghề và nghiệp
Từ thời học sinh, sinh viên tôi đã gặt hái được một số thành tích như giải nhất Liên hoan Tiếng hát học sinh toàn TP. Hồ Chí Minh năm 1985, ba năm liên tiếp được giải nhất Liên hoan Tiếng hát sinh viên Moscow (1990 - 1991 - 1992), giải nhì Giọng ca vàng sinh viên toàn Liên bang Nga (1993)… Những năm tháng du học ở nước Nga, tôi từng thành lập ban nhạc Đêm Huyền Trắng chạy show biểu diễn nhiều nơi. Trở về nước, lần đầu tiên tôi bước ra sân khấu chuyên nghiệp là ở Nhà hát Hòa Bình vào tháng 12/1999, trong chương trình Hoài cảm những vì sao mơ ước với ca khúc Kẻ rong chơi cuối thế kỷ. Chương trình quy tụ bốn ca sĩ tên Trường được gọi vui là “Tứ đại thiên vương” của nhạc trẻ Việt thời ấy.
Đoan Trường (trái) và Lam Trường – hai trong “Tứ đại thiên vương” tên Trường thời trẻ
Ngoài ca hát, tôi còn tham gia nhiều hoạt động khác như MC cho chương trình Giai điệu tình yêu các số đầu tiên của Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh (HTV) - tiền thân của Nhịp cầu âm nhạc sau này; biên tập và tổ chức các mini live show tại các phòng trà ca nhạc cho nhóm MTV, nhóm 1088, Quả dưa hấu, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, Thanh Thảo, Đàm Vĩnh Hưng, Nguyên Vũ; MC phỏng vấn nhóm The Moffatts khi sang Việt Nam biểu diễn vào năm 1999… Nhưng có một “bí mật” mà ít ai biết là tôi đã từng ba lần dự thi Tiếng hát Truyền hình của HTV (cười).
Thật ra ngay từ lúc bước chân vào showbiz Việt, tôi đã xác định không dồn hết tâm huyết và công sức vào nghề ca hát vì “tiên đoán” được là nghệ sĩ chỉ có một thời vinh quang nhất định theo trào lưu và thị hiếu khán giả. Trải qua thời sinh viên sôi nổi, tốt nghiệp Thạc sĩ Hóa tại trường ĐH Công nghệ hóa tinh vi Moskva mang tên M. V. Lomonosov (nay thuộc Đại học Công nghệ Moskva, Nga), về nước tôi được tuyển dụng vào làm cho tập đoàn đa quốc gia về dệt may và da giày của Mỹ, Anh và Đức. Đi làm cả ngày với nhiều áp lực, buổi tối chạy show ca hát cho 6 - 7 sân khấu, phòng trà làm tôi gần như kiệt sức. Tôi quyết định phải chọn nghề nào là “tay phải” hay “tay trái” để tập trung vào một mà thôi.
Đoan Trường khi còn làm việc ở tập đoàn đa quốc gia về dệt may và da giày
Dù thời điểm đó ca hát đã giúp xây được một căn nhà đầu tiên trong đời, nhưng tôi vẫn tạm ngưng để học thêm tiếng Hoa, tiếng Hàn và Quản trị kinh doanh. Sau khi nghề nghiệp ổn định và dần được thăng tiến lên các vị trí quản lý cấp cao, tôi mới đi hát trở lại và phát hành vài album.
Rút lui năm 2010, đúng 7 năm sau, vào Noel 2017 tôi chính thức quay trở lại showbiz, tham gia biểu diễn ở phố đi bộ Bùi Viện, Công viên 23/9, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Nhà hát VOH… và các chương trình ca nhạc gây quỹ từ thiện.
Không bị “sốc” khi đã qua thời
“Thời thế tạo anh hùng”. Câu này luôn đúng trong mọi thời đại bất kể tuổi tác hay nghề nghiệp. Hiện nay chỉ cần một bài hát nào đó tung lên mạng sẽ tạo nên một “anh hùng” ngay, nếu đánh trúng thị hiếu của đám đông. Chỉ trong một đêm đã trở thành “nghệ sĩ” nên nhiều bạn trẻ bất chấp để có thể xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà quên mất sự nổi tiếng chỉ là “ăn may” trên cộng đồng mạng. Nếu không có tài năng thật sự, đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử đối với khán giả và đồng nghiệp thì khó lòng trụ vững. Có khá nhiều nghệ sĩ thế hệ trước vẫn hoạt động âm thầm trong hay ngoài nước vì yêu nghề và nhớ nghề hơn là danh vọng, vì tất cả vinh quang và thành công họ đã có đầy đủ.
Tránh xa thị phi và scandal… nên Đoan Trường ở hiện tại vẫn được khen là trẻ trung
Nhiều đồng nghiệp từng nói tôi là một “ca lạ” của showbiz, cứ “đi ra đi vào” như một cuộc dạo chơi. Như trên tôi đã kể! Những người khác xác định ca hát là nghề nghiệp, còn tôi chỉ muốn thỏa mãn đam mê nên không mong gì hơn với chút thành tích đã gặt hái được. Hào quang đối với tôi giống như một phần thưởng. Bởi thế, tôi không có cảm xúc bị “sốc” hay hụt hẫng, đau khổ khi qua thời. Vì chính tôi đã chọn con đường phát triển sự nghiệp khác ngoài âm nhạc, ngay từ khi đang nổi tiếng. Bản thân tôi cũng thích nghe các bạn trẻ như Noo Phước Thịnh, Tóc Tiên, Sơn Tùng… hát. “Tre già măng mọc”, tôi luôn cảm thấy vui và tự hào về những “làn gió mới” này. Theo tôi, hãy sống với hiện tại và chấp nhận quy luật tự nhiên đó. Có lẽ nhờ tôi cố gắng tránh xa thị phi, scandal, bon chen, tranh giành nên hơn 20 năm ca hát mà vẫn còn được “khen” trẻ mãi là vậy.
Thường thì nghệ sĩ qua thời đỉnh cao sẽ bước sang những lĩnh vực mới để phù hợp với xu thế chung, chẳng hạn như hiện nay là ngồi ghế làm giám khảo, dẫn chương trình, làm blog du lịch hay nấu ăn, khám phá ẩm thực, thời trang, kinh doanh… Hiện tại tôi đang quản lý việc kinh doanh của gia đình cho thật tốt để có thu nhập đi du lịch thật nhiều nơi. Tôi đã đi được 44 quốc gia và hơn 160 tỉnh, thành trên khắp thế giới. Không trải nghiệm bây giờ thì sau này “tuổi cao sức yếu” không đi xa được.
Đoan Trường giao lưu với khán giả
Ngoài vẫn ca hát ở các sân khấu, phòng trà, trên truyền hình, chương trình thiện nguyện… trong nước thì khi có chương trình ca nhạc tại Đài Loan, Nhật, Hàn và Mỹ mời, tôi cũng vui vẻ nhận lời xem như vừa “bay” show vừa kết hợp tham quan, du lịch. Nhưng nguồn thu nhập chính của tôi là từ công việc MC, phiên dịch tiếng Anh, Nga, Hoa và Hàn cho các công ty, sự kiện… Thôi thì vẫn “tay phải” nuôi “tay trái”, miễn sao tôi có đủ sức khỏe, điều kiện để sống thong thả và lâu dài với niềm đam mê ca hát.
Đoan Trường (Thủy Hương ghi)