Gia đình bốn thành viên lần lượt phát hiện bệnh, gánh nặng mưu sinh đè lên vai người phụ nữ có dáng người nhỏ nhắn. Điều mong mỏi duy nhất của chị là gia đình được khỏe mạnh để cùng nhau sống vui vẻ mỗi ngày.
Chú Nguyễn Văn Bằng vất vả mưu sinh và chăm sóc con gái bệnh tật
Cách đây hơn 5 năm, chú Nguyễn Văn Bằng (1971) đã chuyển từ nghề bán vé số dạo sang vớt ve chai trên sông tại TP.HCM để cô con gái bị teo não không phải chịu cảnh nắng mưa rong ruổi. Từ đó, chiếc ghe cũ kỹ là nơi nương thân của gia đình ba người. Em Nguyễn Thị Kiều Loan bị teo não bẩm sinh nhưng do không có tiền chữa trị nên đành để vậy. Ước mơ lớn nhất của chú là có căn nhà nhỏ để đưa gia đình lên bờ sinh sống. Chú Bằng chua xót: "Hôm nào chú đi công việc là ở nhà nó không chịu ăn cơm, chờ chú về nó mới ăn. Bây giờ, chú còn sống ngày nào thì lo cho nó ngày đó, chứ chết xuống rồi không biết ai lo cho nó nữa".
Mâm cơm đạm bạc của chị Huyền và các con
Bạo bệnh khiến chồng thành người khuyết tật, mọi gánh nặng gia đình đè lên vai chị Nguyễn Thị Huyền (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) với 6 người con tuổi ăn tuổi lớn. Chị Huyền làm nghề tự do, ai kêu gì làm nấy, khi thì đi nhổ cỏ thuê, đập rơm, phụ chặt cây dầu, cây tràm, phụ hồ... Hai đứa con lớn thì nghỉ học giữa chừng để đi học nghề. Không may, Yến Nhi - con giữa chị Huyền bỗng mắc căn bệnh viêm tủy thắt nam cần điều trị lâu dài và tốn nhiều chi phí. Ước mơ lớn nhất của chị là có chi phí chữa bệnh cho con và có tiền trang trải cuộc sống gia đình.
Chị Hằng bật khóc khi chia sẻ về hoàn cảnh gia đình
Từ khi chồng phát hiện mắc căn bệnh suy thận giai đoạn cuối, chị Nguyễn Thị Hằng (31 tuổi - Nghệ An) trở thành trụ cột gia đình. Sau một khoảng thời gian, chị lại phát hiện mình bị u xơ tử cung, con trai đầu bị hội chứng suy thận, con gái thì nhiễm trùng tiết niệu và viêm tai giữa. Cả gia đình đổ bệnh cùng một lúc khiến kinh tế gần như kiệt quệ. Cả nhà 6 miệng ăn chỉ phụ thuộc vào người phụ nữ nhỏ bé này khiến ai nấy đều xót xa.
Chú Tùng mong mỏi có tiền thuốc thang và lo cho con trai đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa
Mấy năm trước, chú Đỗ Văn Tùng (Kiên Giang) bị tai biến khiến việc di chuyển khó khăn, chú có một người con trai chuẩn bị lên lớp một. Vì sức khỏe không còn nên hai cha con sống nương nhờ hàng xóm bên căn nhà sập xệ nhỏ sát bờ sông. Mỗi ngày hai cha con ăn cơm với nước mắm kho quẹt. Ước mơ lớn nhất của chú là có tiền mua thuốc và lo cho con được đi học.
Lâm Anh