“Bóng đá là niềm đam mê của cuộc đời” - đó là tâm sự của những người đã từng hoặc đang gắn bó với bộ môn bóng đá, từng đạt đến đỉnh vinh quang và cũng vì nó mà nuối tiếc một đời.
Chị Nguyễn Thu Trang trên sân bóng
Cựu vận động viên bóng đá nữ Nguyễn Thu Trang
Chị Nguyễn Thu Trang đang là giáo viên dạy thể chất cho trường THPT Phạm Văn Sáng – Hóc Môn sau khi chia tay với bóng đá chuyên nghiệp. Chị đến với Khoảnh khắc cuộc đời để chia sẻ về suy nghĩ của một cầu thủ nữ đã đạt được đích đến của đam mê và đỉnh cao của sự nghiệp.
“Chạm tay vào chiếc cúp vô địch quốc gia năm 2010 tại thành phố Hồ Chí Minh, giải do Liên đoàn bóng đá Việt Nam tổ chức dành cho bóng đá nữ, là khoảnh khắc cuộc đời tôi”. Trận chung kết đó, chị chơi ở vị trí tiền vệ cánh phải, vừa kiến thiết vừa ghi bàn. Sau 5 năm rèn luyện và chờ đợi, tuyển nữ thành phố Hồ Chí Minh đã lại có cúp vô địch trên sân nhà Thống Nhất. Một khoảnh khắc hội tụ bởi những cảm xúc, niềm vui lan tỏa và vinh dự tột cùng mà dư âm của nó khiến chị chỉ có thể diễn tả bằng một câu: “Khoảnh khắc đó đọng lại trong mình rất là nhiều”.
Khoảnh khắc “không thể nào quên” khi chạm tay vào cúp vô địch
Người dẫn chương trình đã hỏi “Bên cạnh niềm vui chiến thắng, chị có cảm nhận gì khi vẫn còn đó sự bất bình đẳng giữa bóng đá nữ và bóng đá nam?” Trên thực tế, lượng người hâm mộ cuồng nhiệt không bằng, nguồn tài trợ cũng ít hơn, trong khi thành tích của đội tuyển nữ Việt Nam không hề khiêm tốn với 5 lần vô địch SEA Games, và 2 lần vô địch giải bóng đá Đông Nam Á.
Có trăn trở, có chút suy tư, nhưng đối với chị, được chơi bóng đá có nghĩa đã được là chính mình. Điều đó có giá trị với cuộc đời một con người hơn những so đo hơn thua được mất. Đi đến tận cùng với đam mê, tận hưởng những phút giây vinh quang của sự nghiệp, chị không có gì phải hối tiếc trong cuộc đời cầu thủ của mình. Duy nhất đọng lại, chỉ có sự băn khoăn về tương lai của các cầu thủ nữ sau khi giải nghệ, họ cần một nghề nghiệp để ổn định cuộc sống sau khi đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho bóng đá.
Đến với bóng đá nữ từ một giải học sinh, Nguyễn Thu Trang lọt vào mắt xanh của các huấn luyện viên rồi được tuyển vào chơi bóng chuyên nghiệp. Chị luôn “cháy hết mình trên sân bóng” và giữ ngọn lửa đó trong tim. Đến tận bây giờ, trên cương vị là một giáo viên, chị vẫn dùng câu nói đó để dạy học trò và trên cương vị là một cựu cầu thủ bóng đá, chị luôn muốn thắp sáng ngọn lửa ấy tiếp sức cùng đàn em trên các đấu trường khu vực và quốc tế, mong các em “đừng vì vinh quang mà đi chệch con đường…”.
Nguyễn Tấn Điềm: Tôi đam mê bóng đá
“Tôi đam mê bóng đá” - câu nói của một chàng trai trẻ về môn thể thao vua đã in sâu vào trí nhớ và trở thành tình yêu, ước mơ của bao thế hệ trẻ em và thanh thiếu niên, cũng là một nuối tiếc khi ước mơ cháy bỏng về một sự nghiệp cả đời gắn bó với bóng đá của anh đã không thành hiện thực.
Tập đá bóng từ khi 3-4 tuổi, đến năm 2007, cùng đồng đội đội tuyển Quảng Ngãi giành chức vô địch, đoạt cúp Milo giải U11 toàn quốc, Nguyễn Tấn Điềm gọi đó là một đỉnh cao vinh quang và “sung sướng” của một học sinh tài năng. Mùa giải đáng nhớ với những ngày khăn gói vào thành phố Hồ Chí Minh thi đấu, một nơi rất đẹp trong mắt cậu, và ánh sáng rực rỡ của chiếc cúp vô địch đã nung nấu cho cậu hình ảnh tương lai gắn bó với bóng đá đỉnh cao.
Chàng thanh niên với niềm đam mê bóng đá từ nhỏ
Nhưng, như người ta thường nói “đời không như là mơ”, dù có nhiều câu lạc bộ săn đón để đào tạo thành cầu thủ chuyên nghiệp, cậu thiếu niên đã đi theo định hướng của gia đình học một chuyên ngành khác. Bóng đá chỉ dừng lại ở hai chữ tài năng, để ngày ngày tháng tháng đem trái bóng trong tim thi đấu ở các giải nghiệp dư, xoa dịu nỗi đam mê cháy bỏng. Đến năm 18 tuổi, một chấn thương gãy chân nghiêm trọng đã đặt dấu chấm hết cho giấc mơ thời niên thiếu.
Nhưng, như câu nói của đạo diễn Vũ Thành Vinh: “Khoảnh khắc tạo ra không phải để kết thúc mà mang lại những giá trị tiếp theo”. Nối dài ước mơ của mình trên một con đường khác, anh cùng những người bạn thành lập đội chơi “bóng đá phủi” – một từ lóng nói về bóng đá phong trào. Điều kiện tham gia loại hình này là chỉ cần có niềm đam mê bất diệt với bóng đá và tập hợp đủ số người để hình thành đội bóng. Mức độ cạnh tranh của bóng đá phủi cũng không kém phần quyết liệt so với bóng đá chuyên nghiệp.
Anh mong muốn góp phần tổ chức nhiều giải thi đấu cho các cầu thủ bán chuyên nghiệp, tạo nên nhiều sân chơi cho “bóng đá phủi”. Các giải này thường được tổ chức trong một cộng đồng nhỏ, giữa các đồng nghiệp trong công ty, hoặc bạn bè sinh hoạt chung một câu lạc bộ… để tăng cường tình đoàn kết và tinh thần đồng đội.
Nguyễn Tấn Điềm - nhân viên kinh doanh - trong chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời”
Cũng như Điềm, có bao nhiêu người bình thường chọn chơi bóng đá để rèn luyện thể chất, giao lưu học hỏi và thỏa mãn tình yêu với bộ môn thể thao này. “Anh là đại diện cho số đông khán giả với ước mơ thuở bé không có cơ hội trở thành hiện thực, nhưng đã chuyển nó thành động lực để sống vui và phát triển tốt hơn trong lĩnh vực hoạt động hiện tại của mình” – MC Tùng Leo đã nhận xét.
Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.
Xuân Long