Bidoup - Núi Bà: Mái nhà Tây Nguyên

Những thước phim đầy giá trị về "nóc nhà" Tây Nguyên - Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà đã được giới thiệu trong bộ phim tài liệu "Mái nhà Tây Nguyên" (TFS), lên sóng HTV9 tuần qua.


Bidoup theo tiếng K'ho có nghĩa là người đang nằm

Phim mở đầu với câu chuyện xưa, kể về Bidoup và Núi Bà, Bidoup là cháu, Núi Bà là cô. Hai cô cháu sống bên nhau, người cô luôn lo lắng, chăm sóc cho người cháu nhưng ngày càng, người cháu càng lớn, lớn mãi không ngừng, cao lớn hơn cả cô, nên người cô mới bảo: "Thôi, cháu hãy nằm xuống đi, chứ to cao thế này mà đứng thì chạm vào ông Trời mất".

Thế là người cháu nằm xuống và trở thành đỉnh Bidoup ngày nay. Bidoup theo tiếng K'ho có nghĩa là người đang nằm, và từ đó đến nay, cô cháu Núi Bà - Bidoup vẫn bên nhau, tạo thành vòng cung rộng hơn 70.000ha mang tên Bidoup - Núi Bà, với đỉnh cao nhất là Bidoup trên 2.287m, như một mái nhà bao phủ gần hết cao nguyên Lang Biang (cao nguyên Lâm Viên). 


Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hiệp nói về loài thực vật cổ tại Đà Lạt

Bidoup - Núi Bà là một trong 30 vườn quốc gia nằm trong hệ thống các khu vườn đặc dụng của Việt Nam, thuộc địa giới hành chính huyện Lạc Dương và một phần huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Đây cũng là nơi xuất phát của hai dòng sông lớn, sông Krông Nô và sông Đồng Nai.

Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà chủ yếu là rừng nguyên sinh ngàn năm tuổi, với rất nhiều loài động thực vật khác nhau. Trong số 1.923 loài thực vật đang hiện hữu tại đây, nơi có những kiểu phủ rừng rêu quanh năm ẩm ướt và rừng lùn đỉnh núi, có 62 loài nằm trong sách đỏ, nhiều loài đặc hữu, quý hiếm. Sự phong phú đa dạng của các loài thực vật bắt nguồn từ sự đa dạng các kiểu rừng của Bidoup - Núi Bà. 


Thông điệp của thông, loài đặc hữu ở Nam Tây Nguyên

Với độ cao từ 640m đến trên 2.200m, các kiểu rừng ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà khá phong phú. Ngoài kiểu phủ rừng rêu, kiểu rừng lùn đỉnh núi, nơi đây còn có kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi trung bình, kiểu phủ rừng kín hỗn hợp cây lá rộng, lá kim ẩm á nhiệt đới, rừng tre nứa, rừng hỗn giao tre với cây lá rộng, rừng thưa cây lá kim á nhiệt đới núi thấp đặc trưng với thông ba lá mọc thuần loài...

Sự tồn vong của mỗi loài cây đều phản ánh sự biến đổi của khí hậu của nhiều thế kỷ trước và nếu xét về lĩnh vực này, thì thông hai lá dẹt - loài cổ thực vật hóa thạch sống, sứ giả đến từ thời tiền sử - xứng đáng đứng ở vị trí thứ nhất. Bởi nó mang trong mình một thông điệp gần như trọn vẹn, về sự biến đổi khí hậu của cả ngàn năm trước. 


Những vẻ đẹp của sự đa dạng đang hiển hiện dưới mái nhà Tây Nguyên

Đặt chân vào những rừng già, chạm tay vào những thân cây đã tồn tại hàng trăm năm ở đây, cảm nhận sự êm dịu của những thảm rêu rừng mang lại, lắng nghe hơi lạnh của rừng thấm vào từng thớ thịt làn da của mình, mới cảm nhận hết được những vẻ đẹp khác đang hiện diện dưới mái nhà Tây Nguyên.

Bên cạnh hệ thực vật phong phú, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà còn là nơi sinh sống của rất nhiều chim chóc và muông thú, nhiều loài đặc hữu, nhiều loài năm trong sách đỏ. Tuần sau, trên kênh HTV9, quý khán giả có thể tiếp tục đón xem những thước phim tư liệu quý khác trong các phim dưới đây.

15g ngày 8/4 - Phim tài liệu "Huyền thoại đất thép Củ Chi" - Tập 1
15g ngày 9/4 - Phim tài liệu "Huyền thoại đất thép Củ Chi" - Tập 2
15g ngày 10/4 - Phim tài liệu "Huyền thoại đất thép Củ Chi" - Tập 3
15g ngày 11/4 - Phim tài liệu "Huyền thoại đất thép Củ Chi" - Tập 4
15g ngày 12/4 - Phim tài liệu "Đại tá Hai Hường"

 
Thiên Bình