(HTV) - Tính đến hết ngày 16/9, các nhà chức trách tại nhiều nước Châu Âu cho biết bão Boris đã gây lũ lụt, kéo theo nhiều con đập bị vỡ, và khiến ít nhất 15 người thiệt mạng. Nhiều quốc gia chuẩn bị đón những trận mưa xối xả hơn nữa trong những ngày tới.
Giới chức Châu Âu cho biết, bão Boris gây mưa lớn, và dẫn đến đợt ngập lụt nghiêm trọng nhất ở miền Trung Châu Âu trong vòng 2 thập niên qua.
Khu vực biên giới giữa Cộng Hòa Séc và Ba Lan bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Mực nước tại các con sông tiếp tục dâng cao, làm sập cầu, thiệt hại nhiều nhà cửa và phương tiện.
Theo thống kê, ít nhất 5 người thiệt mạng được ghi nhận tại Ba Lan. Tình hình tại thị trấn Klodzko của nước này đang rất thảm khốc. Người dân đang rất thiếu thốn thức ăn, quần áo và sống trong cảnh mất điện. Mọi người đang gia cố các bao cát trên đường phố và trước nhà của họ để chuẩn bị ứng phó với các đợt lũ tiếp theo.
Mực nước tại các con sông ở TP. Opole, Ba Lan tiếp tục dâng cao tràn bờ. Nguồn ảnh: Reuters
Tại TP. Opole cũng ở Ba Lan, nước sông đã đạt mức cực cao và tràn bờ tại một số thời điểm, ảnh hưởng đến 130 ngàn cư dân. Dự báo trong ngày 18/9, TP. Wroclaw với 640.000 dân cũng sẽ hứng chịu một đợt lũ lụt. Chính phủ Ba Lan đã ban bố tình trạng thiên tai ở các khu vực bị ảnh hưởng, và cho biết dành ra 260 triệu đôla Mỹ để hỗ trợ các nạn nhân. Ông cũng nói rằng sẽ yêu cầu Liên Minh Châu Âu hỗ trợ tài chính.
Chính quyền Séc cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại hai khu vực Đông Bắc nước này, nơi hứng chịu đợt lũ lụt tồi tệ nhất từ trước đến nay. Thống kê đến nay ghi nhận 1 người thiệt mạng, 7 người khác mất tích. Ngoài ra, lũ lụt đang tràn về phía khu vực Đông Nam đã nhấn chìm một thị trấn, gây vỡ đập buộc hàng trăm người phải sơ tán tại TP. Ostrava.
Tại Rumania, lực lượng cứu hộ thức thâu đêm để đưa người dân đến khu vực an toàn. Nguồn ảnh Reuters
Trong khi đó, mưa lũ khiến ít nhất 8 người khác thiệt mạng tại Rumani và Áo. Nhiều người phải trèo lên mái nhà để thoát khỏi nước dâng cao tại Rumani, giao thông công cộng và nguồn điện tê liệt. Thủ tướng Rumani Marcel Ciolacu cho biết nước này sẽ "dọn dẹp và xem có thể cứu vãn được những gì".
12 con đập tại vùng Hạ của Áo bị vỡ, kéo theo đất bùn. Nguồn ảnh: Reuters
Tính đến nay đã có 12 con đập tại vùng Hạ của Áo bị vỡ, kéo theo đất bùn. Hàng ngàn hộ dân ở khu vực này đang không có điện và nước. Thống đốc vùng Hạ Áo Johanna Mikl-Leitner cảnh báo cơn bão vẫn còn gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, chuẩn bị có một đợt mưa lớn hơn và có nguy cơ thêm nhiều đập bị vỡ.
Ngoài ra, một hệ thống áp thấp khác từ miền Bắc Italia đang gây mưa lớn, và có thể sẽ ảnh hưởng đến Slovakia và Hungary trong những ngày tới.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9