‘Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp’.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu kết luận hội thảo - Ảnh: NAM TRẦN
Đây là phát biểu của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khi kết luận Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển", diễn ra ngày 27-2 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cùng khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; cũng như bàn luận về vai trò của văn hóa đối với đất nước và việc vận dụng linh hoạt Đề cương về văn hóa Việt Nam để văn hóa ngày càng giàu có cùng với sự đi lên của kinh tế đất nước.
Đề cương về văn hóa Việt Nam: văn hóa phải hoàn thiện nhân cách con người
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định hội thảo thống nhất đánh giá ý nghĩa lịch sử, giá trị to lớn, mang tầm thời đại và sức sống lâu dài, bền vững của Đề cương về văn hóa Việt Nam.
Ông nhấn mạnh thêm đề cương có ý nghĩa lý luận sâu sắc, mang tầm thời đại, có vai trò là "cương lĩnh" đầu tiên của Đảng về văn hóa, là sự khai phá mở đường, là nền tảng lý luận về văn hóa của Đảng.
Thực tiễn đã khẳng định những đóng góp quan trọng của đề cương đối với việc hình thành và phát triển nền văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở kiên định, nhất quán những quan điểm nền tảng của đề cương, qua từng giai đoạn lịch sử, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, Đảng đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung và phát triển tư duy lý luận, để nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn.
Theo ông Nghĩa, từ định hướng chiến lược của đề cương, nhất là ba nguyên tắc: "dân tộc hóa", "đại chúng hóa", "khoa học hóa", Đảng đã nhận thức ngày càng sâu sắc và đầy đủ hơn về bản chất, ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống xã hội, trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Văn hóa phải thực sự là "nền tảng tinh thần" vững chắc của xã hội, là "sức mạnh nội sinh quan trọng" trong sự phát triển của đất nước.
Những năm gần đây, từ trong lý luận cũng như thực tiễn, văn hóa ngày càng được coi trọng, đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, là nhân tố điều tiết, đóng vai trò quan trọng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo phải phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.
"Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp. Phải phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế", ông Nghĩa nói.
Ông đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển văn hóa, tạo hành lang pháp lý để khơi thông mọi tiềm năng, nguồn lực cho phát triển văn hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Gợi ý xây dựng trợ lý ảo như ChatGPT chuyên về văn hóa
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng gây chú ý về những gợi ý xây dựng văn hóa số và xây dựng trợ lý ảo, dạng như ChatGPT chuyên về văn hóa.
"Chúng ta phải xây dựng được một trợ lý ảo, dạng như ChatGPT, chỉ chuyên về văn hóa Việt Nam, để mọi người Việt Nam có thể vào đó đối thoại, có cái để hỏi, có cái để nói chuyện, để mang hiểu biết mọi lúc, mọi nơi", ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, nếu dùng ChatGPT thì có thể không tìm được những câu trả lời chính xác lắm trong một số trường hợp, vì nó làm cho mọi lĩnh vực, cho mọi quốc gia nên rất khó đạt đến mức xuất sắc.
Nhưng nếu xây dựng chat về văn hóa Việt Nam với dữ liệu phải xử lý giảm đi hàng ngàn lần thì nó sẽ đạt được mức xuất sắc.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng chat văn hóa Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng cũng sẽ "giúp cho người Việt Nam hiểu giống nhau và làm giống nhau về văn hóa Việt Nam".
Ông Hùng cũng lưu ý tới hoàn cảnh, môi trường sống mới do quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay tạo ra cần văn hóa mới, con người mới, đó là văn hóa số, con người số, bên cạnh môi trường thực mà chúng ta đã quen qua hàng ngàn năm.
Việc hình thành văn hóa số phải được tuyên truyền thường xuyên, cần thiết đưa vào từ giáo dục phổ thông.
Ông hứa hẹn Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đồng hành với ngành văn hóa trong việc xây dựng các nền tảng số của văn hóa Việt Nam.
Tuổi trẻ